Thỏa thuận hợp tác hợp tác về ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác huấn luyện nhằm nâng cao thành tích thể thao vừa được ký kết và công bố sáng nay 4-7, giữa Cục Thể dục thể thao và công ty DreaMaX.
"Mục tiêu của Thể thao Việt Nam là hướng đến chinh phục những tấm HCV ASIAD và huy chương Olympic bằng chính thực lực của VĐV. Để đạt được điều đó, việc ứng dụng công nghệ AI vào huấn luyện nhằm giúp nâng cao thành tích là yếu tố rất cần thiết. Trước mắt chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào áp dụng cho đội tuyển quốc gia của 4 môn thể thao gồm: Taekwondo, Boxing, Bắn cung, Bắn súng. Sau khi đạt được kết quả tốt sẽ được nhân rộng ra nhiều hơn ở các đội tuyển, môn thể thao khác." ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ công bố.
Cả 4 môn được thí điểm áp dụng công nghệ AI đều nằm trong nhóm môn trọng điểm của TTVN được nhắm đến đầu tư cho mục tiêu giành HCV ASIAD và huy chương Olympic. Trong đó, taekwondo từng mang về 1 huy chương Olympic, còn bắn súng đã có HCV Olympic lẫn HCV ASIAD. Riêng bắn cung và boxing đều có VĐV dự các kỳ Olympic gần đây.
Đáng chú ý, ngoài nhóm môn kể trên, môn trọng điểm khác là Điền kinh cũng sẽ lựa chọn ra một số VĐV, HLV để được hỗ trợ áp dụng công nghệ AI tới đây.
"Các HLV trẻ hiện nay đều được khuyến khích học thêm về công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI nhằm áp dụng vào trong công tác huấn luyện. Trước mắt, một số VĐV trẻ sẽ được lựa chọn để thử nghiệm nhận hỗ trợ từ công nghệ AI. Đó không chỉ là việc thu thập, phân tích số liệu từ các buổi tập, sự thích nghi với giáo án nhằm tìm ra phương thức tập tốt nhất, hiệu quả nhất, mà còn là hỗ trợ cả về y sinh học", ông Nguyễn Mạnh Hùng, TTK Liên đoàn điền kinh Việt Nam, Phó phòng TTTTC (Cục TDTT) cho biết.
Về phía đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ, công ty công nghệ công nghệ DreaMaX cho biết: bước đầu sẽ tiến hành ứng dụng trong 4 môn thể thao gồm: Bắn Súng, Bắn Cung, Taekwondo, Boxing trong phân tích các yếu tố về chuyên môn như đường bắn, tuyến bắn của VĐV (đối với Bắn Súng, Bắn Cung), độ trụ, phân tích khả năng phòng chống chấn thương, độ chính xác (đối với Taekwondo, Boxing)….Việc ứng dụng sẽ hỗ trợ xử lý lượng dữ liệu lớn của VĐV từ khi bắt đầu đào tạo, trong quá trình đào tạo, tập luyện, thi đấu…
Các chỉ số được lượng hóa để so sánh với trình độ trên thế giới. Trọng tâm của ứng dụng là hướng tới hỗ trợ xử lý dữ liệu của 3 nhóm đối tượng gồm: các cấp quản lý, VĐV và công chúng.
Cụ thể, nhóm 1 là các cấp quản lý bao gồm Cơ quan nhà nước, HLV. Dữ liệu thu thập được sẽ hỗ trợ trong việc đánh giá đầu tư, lựa chọn môn thi đấu hoặc hỗ trợ BHL, HLV đưa ra những bài tập, tính toán điểm rơi phong độ phù hợp.
Nhóm 2 là nhóm các VĐV nâng cao thành tích. Thông qua số liệu được lượng hóa, các VĐV sẽ có điều kiện nắm bắt được chính xác về thông tin tập luyện thi đấu để tự điều chỉnh bản thân.
Nhóm 3 là nhóm công chúng. Bên cạnh hỗ trợ đào tạo, tập luyện, ứng dụng cũng sở hữu mảng kết nối truyền thông ra cộng đồng, từ đó, đưa ra những thông tin giúp cộng đồng, người hâm mộ có được cái nhìn gần hơn với ngành thể thao.
Đáng chú ý, việc bảo mật các số liệu sẽ được thực hiện nghiêm ngặt và Cục TDTT sẽ toàn quyền lưu trữ và bảo mật số liệu.
Chương trình hợp tác về công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Cục TDTT Việt Nam với đối tác sẽ gắn theo giai đoạn 2025-2030, có đánh giá về hiệu quả phối hợp sau từng năm, từng giai đoạn. Cũng theo ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch, đề án chuyển đổi số mà Cục TDTT đã xây dựng và đang trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét để đưa vào ứng dụng thực tế.